55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2016): Công lý thuộc về các nạn nhân da cam

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc da cam/dioxin, chất độc bậc nhất trong các chất độc, một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người, nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng.

Ngày 15/01/1961, sau khi nhận chức Tổng thống Mỹ Kennedy đã tuyên bố dùng chất diệt cỏ (chất chưa có da cam/dioxin) để kiểm soát, ngăn chặn quân cộng sản. Ngày 10/8/1961 là ngày đầu tiên Mỹ ngụy sử dụng khoảng 15 loại hóa chất được sử dụng với khối lượng lớn, nồng độ cao, biến Việt Nam thành phòng thí nghiệm khổng lồ để nghiên cứu thử nghiệm các loại chất độc, trong đó con người thay cho các động vật thường dùng như chuột bạch, thỏ nhằm phục vụ mục đích quân sự.
Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 26.000 thôn, bản, với diện tích 3,06 triệu ha, bằng gần bằng 1/4 tổng diện tích Miền Nam Việt Nam (trong đó có 44 triệu lít da cam/dioxin loại 2,4D và 2,4,5-T); trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần...
Về môi trường và sinh thái: Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở lên nghèo nàn. Một số loài động thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gặm nhấm và loài cỏ dại phát triển. Hệ thống rừng ngập mặn ở Miền Nam, nhất là rừng Sác, phía Đông Bắc thành phố Hồ Chí Minh và ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau bị phá hủy nặng nề; vai trò rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút.
Tại các sân bay quân sự Mỹ trước đây dùng để lưu giữ pha trộn, tiêu huỷ chất độc hóa học, nồng độ dioxin vẫn còn cao hay rất cao, đặc biệt là các sân bay Đà Nằng, Biên Hòa Và Phù Cát.
Việc sử dụng chất da cam/dioxin ở chiến trường trong suốt 10 năm nó đã gây ra hậu quả thảm hoạ da cam không chỉ huỷ hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn tác động hại đến sức khỏe con người Việt Nam trong suốt 55 năm qua. Theo các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định chỉ phần tỷ gram dioxin có thể lập tức gây chết người, cần 85 gram/dioxin (bằng một thìa súp) có thể giết chết 8 triệu người dân của một thành phố và các Viện sỹ Hàn lâm khoa học, viện Hàn lâm y học Hoa Kỳ đã thừa nhận nhiều loại bệnh liên quan tới chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Thảm hoạ da cam với biết bao thảm cảnh không sao kể xiết. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, chất độc da cam/dioxin có thể gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, nội tiết, thần kinh...; có vai trò quan trọng trong gây đột biển gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu là nạn nhân CĐDC là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc...nó đã làm cho nhiều cặp vợ chồng hữu sinh vô dưỡng không được làm cha, làm mẹ và ngược lại có hàng triệu cặp vợ chồng sinh từ 2 - 6, 7 người con đều bị dị dạng, tật nguyền, vô thức hoặc chết dần, chết mòn, có gia đình cả 15 người con đều là Nạn nhân, hiện có 3 con còn sống. Họ sinh và nuôi con mà ruột đau như cắt, nuôi con càng nhiều năm gia cảnh càng nghèo, con càng lớn càng đau khổ, nhiều cháu còn sống đeo đẳng gây đau khổ cho cha, mẹ, ông bà, dòng họ. Những ông bố, bà mẹ thì mang trong người những căn bệnh ung thư, bệnh nan y khác đang gặm nhấm từng tế bào giằng xé nỗi đau và cuộc sống của họ. Đặc biệt là CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3- 2 000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4.
Trực thăng Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh tư liệu.
Chất độc da cam/dioxin không chỉ gây ra hậu quả cho người Việt Nam mà còn gây hậu quả cho hơn 200 nghìn cựu chiến binh Mỹ và 100 nghìn cựu chiến binh thương tật da cam Hàn Quốc và nhiều cựu chiến binh Austraulia, New Zealand bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin, buộc chính phủ Mỹ và các nước phải tập trung giải quyết hậu quả, bồi thường cho họ và con của họ.
Theo số lượng điều tra, tổng hợp của trung tâm nghiên cứu trường đại học Colombia (Mỹ) về con người, ở Việt Nam có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, hơn 3 triệu người là Nạn nhân, bao gồm những người tham gia chiến đấu, phục vụ chiếu đấu thuộc các lực lượng của chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, những người dân ở vùng chiến sự, vùng giải phóng, những ngụy quân có liên quan tới việc sử dụng vũ khí hóa.
Ở nhiều tỉnh, trong số nạn nhân có trên một nửa là dân thường (Kon Tun Quảng Nam, Quảng Ngãi, tỷ lệ dân thường so với tổng số là nạn nhân là 70,79- 75,4%, 85% số hộ có 2 nạn nhân trở lên, 3% số hộ có 5 nạn nhân. Có gia đình cả 15 người đều là nạn nhân độc da cam/dioxin.
Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh tật thường xuyên phát, các nạn nhân là dân thường không còn khả năng sản xuất, không có nguồn thu, tỷ lệ hộ nghèo nạn nhân chiếm khoảng 50-60%, vùng sâu, xa 70%, mức chi phí nuôi dưỡng chữa bệnh lớn, vượt qua ngoài khả năng thanh toán của gia đình. Có thể nói “ Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”.
Thảm họa da cam ở Việt Nam đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người đây là một vấn đề cấp bách, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy đảng chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Trong bối cảnh đất nước còn rất nhiều khó khăn, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã hết sức quan tâm khắc phục hậu quả chiến tranh do Mỹ gây ra, thể hiện như:
Tháng 10/1980, Chính phủ thành lập ủy ban đặc biệt điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (UB-10-80).
Ngày 16/6/1997 tại Công văn số 725-CV/VPTW, Văn phòng Trung ương Đảng Thông báo ý kiến của Thường vụ Bộ Chính trị về vấn đề sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam;
Ngày 03/4/1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 74/Q Đ-TTg tiến hành xác định nạn nhân bị hậu quả hóa chất sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam;
Ngày 01/3/1999, Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33), được thành lập theo Quyết định số 33/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;      
Ngày 23/2/2000, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 26/20 00/QĐ-TTg về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam;
Ngày 05/7/2002, Bộ Chính trị ra Thông báo số 69-TB/T về chủ trương giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Thông báo nêu rõ: Giải quyết hậu quả chất độc da cam (dioxin) là vấn đề lâu dài, nhưng cũng là vấn đề cấp bách hiện nay...
Ngày 05/2/2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 16/2004/QĐ-TTg về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam;          
Ngày 29/6/2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 26/20057PL- UBTVQH về ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động là đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Ngày 18/12/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo kết luận số 292- TB/TW về việc giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC...Thông báo nêu rõ “ Việc giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân CĐDC là vấn đề lâu dài, vừa quan trọng và cấp bách hiện nay” và kết luận: “Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là một tổ chức xã hội đặc thù, thực hiện nhiệm vụ chính trị-xã hội được Đảng, Nhà nước giao”.
Ngày 6/4/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2010/NĐ-CP về mức trợ cấp chính sách của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gần bằng mức trợ cấp của người bệnh binh.
Ngày 16/7/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Đặc biệt ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 43- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ:“Công tác khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề cấp bách và lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị”.
Chế độ, chính sách đối với nạn nhân CĐDC: Kể từ năm 1998 đến nay, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã 3 lần thông qua Pháp lệnh; Chính phủ ban hành 11 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 Quyết định; các Bộ ban hành hơn 30 Hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách liên quan đến nạn nhân CĐDC, như”: Chính sách, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gồm: Các chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp đối với người phục vụ, đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến. Các chính sách ưu đãi, các chính sách hỗ trợ khác như: Chế độ bảo hiển y tế, miễn giảm học phí cho bản thân và con đẻ đối tượng...Chế độ, chính sách đối với người dân, các đối tượng khác bị nhiễm CĐHH.
Hoạt động khắc phục ô nhiễm môi trường: Từ năm 2000-2015 đã nghiên cứu 42 đề tài cấp Nhà nước (16 đề tài về y tế, sức khỏe; 17 đề tài về môi trường, 7 đề tài về CSXH, 2 đề tài về khoa học xã hội). Điều tra dịch tễ học trên 47.000 cựu chiến binh và con cháu của họ, xác định cơ cấu bệnh tật và dị tật bẩm sinh ở những cựu chiến binh đã tiếp xúc với chất da cam/dioxin, dự án phục hồi chức năng, tẩy độc, khắc phục ô nhiễm môi trường. Đảng và Nhà nước đã có chỉ đạo hoạt động khoa học và nỗ lực hợp tác nghiên cứu tẩy độc, khắc phục ô nhiễm CĐDC/dioxin tại các điểm nóng như: Sân bay Đà Nằng, Sân bay Biên Hòa, Sân bay Phù Cát...
Về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NN CĐDC: Hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC. Hiện có 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐDC được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, có nạn nhân được chỉnh hình, phục hồi chức năng, ..Cả nước hiện có 121 làng Hòa Bình, làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi trẻ khuyết tật...
Để tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, chính quyền Mỹ, trước năm 2006, lảng tránh trách nhiệm, tháng 11/2006, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Nguyễn Minh triết và Tổng thống G.Bush ra Tuyên bố chung khẳng định: “Việc hai bên nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề nhiễm độc môi trường gồm các kho chất độc chứa dioxin trước đây sẽ góp phần đáng kể vào việc tiếp tục phát triển quan hệ hai nước”.
Tháng 2/2007, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Michael Marine họp báo thừa nhận có nhiễm độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Từ năm 2007 đến nay, Quỹ Ford, Quỹ Bill & Melinda Gates, Quỹ Atlantic Philanthropies đã tài trợ một số dự án như: Dự án xây dựng các công trình chống lan tỏa tạm thời tại sân bay Đà Nẵng, Dự án xây dựng phòng thí nghiệm dioxin, Dự án nghiên cứu các công nghệ sinh học tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng, Dự án lượng giá toàn diện ô nhiễm, phơi nhiễm và đề xuất biện pháp giảm thiếu từ 2010 - 2010...
Từ năm 2007, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn một khoản ngân sách để Chính phủ Mỹ tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam.
Từ năm 2011, ngân sách Quốc hội Mỹ phê chuẩn được tách riêng thành 2 khoản: (1) Tẩy độc ở điểm nóng” dioxin, (2) hỗ trợ các dịch vụ y tế cho người dân Việt Nam sống gần các “điểm nóng”, chủ yếu là ở Đà Nẵng.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ và Viện Aspen của Mỹ, tính đến ngày 01/01/2016, tổng số tiền Chính phủ Mỹ được phê chuẩn chi để  tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam 173 triệu USD, trong đó chi để tẩy độc môi trường là 138,7 USD, chi cho dịch vụ y tế là 34,3 triệu USD.
Ngoài ra, một số tổ chức phi chính phủ của Mỹ cũng đã tham gia các dự án tẩy độc môi truờng và hỗ trợ dịch vụ y tế cho người dân ở các “điểm nóng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, số tiền Chính phủ Mỹ được phê duyệt để tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam chưa được giải ngân đầy đủ và không chỉ dành cho người khuyết tật do liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam mà được chi chung cho “ những người khuyết tật không phân biệt nguyên nhân”.
Nói chung tuy Hoa Kỳ đã có tham gia khắc phục hậu quả da cam, nhưng nó còn quá nhỏ bé so với hậu quả hết sức to lớn mà họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.
Trước những yêu cầu đặt ra việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và theo nguyện vọng của nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc hóa học đã ra đời Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 khám bệnh, tư vấn sức khỏe

cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

1. Hoàn cảnh ra đời của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam
Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra những tác hại rất to lớn và lâu dài đối với đất nước ta. Đặc biệt, tác hại của CĐDC đối với sức khỏe con người có thể còn kéo dài qua nhiều thế hệ.
Giải quyết hậu quả CĐDC, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc vừa là vấn đề xã hội nhân đạo đối với đồng bào ở những vùng bị ảnh hưởng CĐDC, vừa là vấn đề chính trị và ngoại giao tế nhị.
Đáp ứng yêu cầu đó, năm 1980, ủy ban 10 — 80 ra đời và hoạt động đến năm 2000. Năm 1999, Ban Chỉ đạo 33 được thành lập. Trước đó, năm 1998, Quỹ Bảo trợ nạn nhân CĐDC thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đi vào hoạt động. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi phải có một tổ chức đủ sức đảm đương những nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới.
Trong bối cảnh đó, ngày 10/01/2004, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động (Hội được thành lập theo Quyết định số 84/2003/QĐ- BNV ngày 17/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Bà Nguyễn Thị Bình Nguyên Phó Chủ tịch nước được suy tôn làm Chủ tịch danh dự; Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Hội. Chủ tịch hội đương nhiệm là thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên  UVTW Đảng, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó chủ tịch-Tổng thư ký-Tướng, PGS Nguyễn Thế lực, nguyên Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương và Bộ Quôc phòng; các Phó chủ tịch: GS -BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, Nguyên GĐ Bệnh viên Từ Dũ, Trung tướng Hoàng Châu Sơn, nguyên Cục trưởng Cục dân quân tự vệ, Bộ tổng tham mưu, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên tham mưu trưởng Quân khu 7.
2. Những vấn đề cơ bản về Hội
Hội nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam là một tổ xã hội đặc thù, của những nạn nhân chất độc da cam và các cá nhân tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ, tiền, vật chất để giúp nạn nhân chất độc da cam, khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Hội được thành lập nhằm vận động các  tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Hội được thành lập nhằm vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài giúp đỡ nạn nhân CĐDC hòa nhập cộng đồng xã hội; tập hợp đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên….Hội đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam trong các mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đấu tranh buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả do họ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Hội có quyền tư vấn xây dựng các cơ chế, chính sách, phản biện và giám định xã hội các cơ chế, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam.
Hoạt động trong phạm vi cả nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
 3. Hoạt động của Hội - Một số kết quả chính
Hơn 12 năm, kể từ ngày thành lập, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ  quốc Việt Nam, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội; sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân các địa phương; với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, Hội đã triển khai toàn diện các mặt công tác và đạt được những kết quả khá quan trọng.
- Hoạt động tuyên truyền: Hơn 12 năm, tổ chức hội các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tuyên giáo, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tiến hành công tác tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam, về thảm họa da cam ở Việt Nam, về cuộc đấu tranh đòi công lý.. ..Hình thức, biện pháp tuyên truyền phong phú, phù hợp vời điều kiện thực tế của mỗi nơi...
- Về xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức hội:
Đến hết tháng 12/2015 tổ chức hội đã được thành lập ở 61 tỉnh, thành phố, 593 huyện, quận, 6.341 xã, phường, thị trấn. Tổng số hội viên hơn 360.000 người. 34 tỉnh đã thành lập tổ chức hội ở 100% số huyện, quận, thị trấn.
Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã được thành lập ở Trung ương và 37 tỉnh, thành hội, 96 huyện, quận và 416 xã, phường.
Về công tác tham mưu, đề xuất, tư vấn, phản biện: Hội đã chủ động phối hợp với các ban, bộ ngành của Trung ương tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương về giải quyết hậu quả chất độc hóa học...
- Về vận động nguồn lực xã hội và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân: Vận động nguồn lực để chăm sóc giúp đỡ nạn nhân là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên của Hội, triển khai các hình thức như lời kêu gọi, thư kêu gọi ...đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.... Tính đến 31/10/2015, Hội đã vận động được 1.150 tỷ đồng, trong đó các tổ chức và cá nhân nước ngoài ủng hộ gần 90 tỷ đồng, số tiền ủng hộ thông qua Quỹ BTNN chất độc da cam ở Trung ương và các tỉnh, thành phố là 668 tỷ đồng ủng hộ trực tiếp bằng hiện vật quy ra tiền là 482 tỷ đồng.
Hội đã xây dựng 2 trung tâm bảo trợ xã hội, 24 trung tâm thuộc các tỉnh, thành hội...Hỗ trợ gia đình nạn nhân xây dựng 3.124 ngôi nhà; trợ cấp 780 suất tìm việc làm, hơn 119.000 suất vốn sản xuất, khám chữa bệnh; ủng hộ gần 160.000 lượt gia đình nạn nhân gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hàng triệu lượt nạn nhân và gia đình nạn nhân được tặng quà trong ngày “ Vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 và Tết Nguyên đán. Chỉ riêng năm 2015, các khoản tài trợ bằng hiện vật, đầu tư trực tiếp không qua quỹ quy thành tiền là gần 105.267 tỷ đồng.
Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, là lương tâm, trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội mà còn đóng góp vào sự ổn định chính trị, củng cố sự nhất trí về chính trị-tinh thần, tăng cường “trận địa lòng dân”, nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Chỉ thị 43-CT/TW ngày 14/5/2015 Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác giải quyết hậu qua chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là một văn bản rất quan trọng, thể hiện quan điểm và sự chỉ đạo của Đảng nhằm giải quyết một vấn đề phức tạp và lâu dài trên phạm vi cả nước.
Thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhân dân thế giới hiểu rõ hơn thảm họa da cam ở Việt Nam, đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ, hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam - vận động toàn thể nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”. Tham gia chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC bằng hành động cụ thể, với tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm cao nhất.
Hai là, kiên trì và kiên quyết đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam với những hình thức và bước đi phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Phối hợp hành động giữa đấu tranh tại Tòa và vận động đấu tranh ngoài Tòa. Thúc đẩy quá trình tập hợp lực lượng, hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết đấu tranh ngăn chặn việc sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học vì “ một thế giới xanh” và quyền được sống trong hòa bình, hạnh phúc của các dân tộc.
Ba là, quan tâm giúp đỡ người dân vùng bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nạn nhân chất độc da cam thông qua các chuơng trình mục tiêu, chính sách an sinh xã hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội hằng năm của phương, đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam, không để xảy ra thiếu sót, tiêu cực. Kịp thời đề xuất, bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bốn là, xây dựng Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo kế hoạch thời gian tới là thành lập nốt hội cấp huyện ở Kim Động và thành phố Hưng Yên. Đẩy mạnh việc thành lập hội cấp xã đưa các cấp trong tỉnh hoạt động có nền nếp và hiệu quả.
Hội cần chủ động tham mưu đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về củng cố kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ và chương trình, kế hoạch hoạt động của hội. Nắm vững bản chất công tác hội là công tác vận động quần chúng; tư tưởng xuyên suốt chỉ đạo công tác hội là “Đoàn kết-nghĩa tình- trách nhiệm-vì nạn nhân chất độc da cam”. Đặt lên hàng đầu công tác vận động nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân, coi đó là thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội.
Kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam góp phần nối tiếp những nhịp cầu hữu nghị, gắn kết nạn nhân CĐDC các nước trên thế giới thành một khối thống nhất, hành động vì mục tiêu chung là đấu tranh chống chiến tranh hóa học, chống vũ khí giết người hàng loạt, bảo vệ hòa bình, bảo vệ môi trường sống, trả lại sự công bằng cho các nạn nhân CĐDC.
Nửa thế kỷ thảm họa da cam ở Việt Nam - Nhớ lại và suy nghĩ, đau thương và hành động. Hành động một cách tự giác, tích cực nhất, hiệu quả nhất với tình cảm và trách nhiệm cao nhất, thể hiện rõ nét nhất đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” “Thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam./.

Nguồn: 

Cổng thông tin điện tử Quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức