Thời gian qua, tại nhiều địa phương đã có một số người mắc bệnh whitmore. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này; riêng tháng 8 ghi nhận 12 ca nặng được chuyển đến, trong đó một bệnh nhân bị vi khuẩn ăn mất phần tổ chức mềm của cánh mũi. Bệnh nhân chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra những khuyến cáo để người dân chủ động phòng, chống bệnh này. Đó là, hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch để đảm bảo vệ sinh. Cùng với đó là đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ; rửa tay, chân thường xuyên, đặc biệt sau khi đi ra ngoài về. Khi có các triệu chứng như sốt cao, viêm phổi, viêm da..., nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.
Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore thường sốt, giảm cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ khớp, đau đầu và co giật. Nếu nhiễm trùng phổi gây viêm phế quản nhẹ đến viêm phổi nặng, người bệnh có thể bị sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, khó thở, đau ngực và đau nhức cơ nói chung. Khi nhiễm trùng trên da sẽ có các dấu hiệu như đau hoặc sưng, loét và áp xe, kèm theo sốt và đau cơ. Nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu, các triệu chứng có thể bao gồm sốt, nhức đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp và mất phương hướng.
Whitmore được coi là "kẻ mạo danh" vì bệnh không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng và thường bị chẩn đoán lâm sàng nhầm sang các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu... Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu hoặc dịch não tủy. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Theo Cục Y tế dự phòng, con người có thể mắc whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn. Người và động vật có thể nhiễm bệnh do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn qua xây xước ngoài da. Bệnh này khó lây truyền từ người sang người.
Cục y tế dự phòng lưu ý, đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh dễ mắc ở những người có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh về thận, bệnh phổi, suy giảm miễn dịch… Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.
Nguồn:
Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông
Viết bình luận