“Diệt bọ gậy, loăng quăng, muỗi vằn là biện pháp đơn giản và hiệu quả để phòng chống dịch sốt xuất huyết”.
“Mỗi gia đình hãy dành 10 phút mỗi tuần làm tổng vệ sinh, diệt bọ gậy, muỗi vằn để bảo vệ gia đình không bị sốt xuất huyết”.
“Phòng chống dịch sốt xuất huyết là trách nhiệm của mỗi người dân và toàn xã hội”.
Hiện nay dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát trên địa bàn phường. Theo ghi nhận của trạm y tế, đến ngày 26/6, toàn phường đã có 30 ca mắc sốt xuất huyết. Điển hình ở tổ dân phố 5 đã có 21 người mắc sốt xuất huyết. Với diễn biến tình hình thời tiết trong những tháng tiếp theo sẽ mưa nhiều, chính là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi và phát triển. Trước thực trạng trên, UBND phường Kiến Hưng đề nghị toàn dân nêu cao tinh thần chủ động tổng vệ sinh xung quanh khu vực nơi nhà mình ở. Nhất là vào thời điểm sau khi mưa. Đề nghị các cộng tác viên, lãnh đạo các tổ dân phố, các đoàn viên, hội viên tích cực và đồng bộ triển khai nhiều biện pháp, tuyên truyền, vận động nhân dân tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Mỗi gia đình cần chủ động diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà, cần thay đổi thói quen không trữ nước trong nhà, đổ lọ nước bình hoa, cây cảnh, dọn quang vườn tược, không để mảnh vỡ, vỏ chai lọ chứa nước trong vườn... đều là nơi trú ngụ của bọ gậy phát triển thành muỗi gây bệnh; ngủ màn; hợp tác với CBYT khi có bệnh nhân hoặc ổ dịch. Đặc biệt khi có biểu hiện sốt cao đột ngột trên 2 ngày cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám điều trị kịp thời tránh tử vong.
Thưa quí vị và các bạn!
Sốt xuất huyết là bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra. Đây là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan chủ yếu do loại muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành. Loại muỗi vằn này thường ở trong nhà, trong các góc tối tăm và các nơi ẩm thấp, thường hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm. Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin đặc trị, thường xảy ra quanh năm nhưng bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 11. Là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nặng có thể gây tử vong do trụy tim mạch hoặc do bị xuất huyết ồ ạt…. chính vì vậy, chúng ta cần phải có biện pháp để phòng chống dịch bệnh. Đồng thời hiểu được nguyên nhân, triệu chứng bệnh sốt xuất huyết, để phát hiện được bệnh, sớm có cách điều trị phù hợp.
Những dấu hiệu nhận biết bệnh Sốt xuất huyết, đó là: Sốt cao 39-40oC, sốt đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền. Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng. Nôn hoặc đi cầu ra máu (nước nôn màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi). Có thể đau bụng, đau dữ dội, đau ở vùng dưới sườn bên phải. Với trẻ lớn hơn thì cũng có dấu hiệu sốt nhưng sốt nhẹ, đau đầu, nhức mắt, đau khớp, nhức mỏi toàn thân và cũng có các dấu hiệu xuất huyết.
Các biện pháp phòng, chống SXH:
5 biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy, lăng quăng
- Đậy kín các chum, lu, khạp…chứa nước không để cho muỗi đẻ trứng
- Thả cá vào tất cả các vật chứa nước trong nhà để ăn bọ gậy.
- Cọ rửa, thay nước các đồ dùng chứa nước 1 tuần 1 lần.
- Bỏ muối vào bát nước kê chân chạn, giường, tủ, thay nước lọ hoa mỗi ngày.
- Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng như gáo dừa, lon, đồ hộp, chai lọ vỡ, vỏ, lốp xe…)
Phòng tránh muỗi đốt:
- Mặc áo quần dài tay.
- Khi ngủ cần ngủ trong màn kể cả ban ngày
- Cho người bệnh nằm trong màn tránh muỗi đốt.
- Diệt muỗi bằng hóa chất như phun thuốc, tẩm màn, thắp hương muỗi, dùng bình xịt diệt muỗi, bôi kem chống muỗi cắn….
Viết bình luận