Ông Lê Đình Túc hiện đang là cụ Từ ở Miếu. Ông được cử trông nom, cai quản, đèn hương ở Miếu Bà, giúp nhân dân Mậu Lương đến nay đã được 8 năm. Chính vì vậy nếu ai muốn gặp ông thì phải vào Miếu mới gặp được.Ông chia sẻ với tôi: Việc ở Miếu không nhiều nhưng đã được nhân dân tin tưởng, giao phó thì phải làm cho đến nơi đến chốn. Sáng đi trưa về, chiều đi tối về. Dù mưa to cũng phải đội áo mưa đi. Ngày giỗ bố cũng không thể bỏ. Ông Lê Đình Túc năm nay đã ngoài 80, với khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, có lẽ được trời phú nên người thương binh 3/4 này vẫn rất nhanh nhẹn. Ông luôn có thái độ khiêm tốn, hòa nhã với mọi người. Ông chia sẻ về công việc, đời tư của mình một cách chậm rãi: Cuộc sống của tôi gặp rất nhiều vất vả, khó khăn. Khi tôi từ quân ngũ trở trở về, vợ con tôi bỏ nhà đi, chỉ còn lại ngôi nhà 3 gian trống rỗng. May mắn được bà con nhân dân tin tưởng, địa phương vận động tôi tham gia vào Tổ cá. Sau 3 năm tôi được bầu làm thủ kho của HTX Mậu Lương, là thành viên ban thường vụ xã phụ trách khối nông nghiệp. Cho dù đời sống kinh tế khó khăn nhưng tôi tự xây dựng cho mình "thóc không nợ của HTX một cân".
Ông Lê Đình Túc cũng như bao người con ưu tú của quê hương Kiến Hưng, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1966 ông tham gia quân ngũ, đóng quân ở Tiểu đoàn 7- d9 - quân khu 9 Cần Thơ (6 tỉnh miền Tây). Ông là một chiến sĩ thông tin, làm nhiệm vụ truyền tin, giữ mối liên lạc trong suốt mặt trận. Ông chia sẻ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ anh em chiến sĩ rất vất vả, phải hành quân cả ngày đêm, việc truyền thông tin với địa hình mới gặp nhiều khó khăn, nhiều khi dây thông tin mất chúng tôi phải chạy bộ suốt đêm để truyền lệnh của cấp trên cho kịp thời.
Năm 1972, hầm của đơn vị ông bị pháo đánh trúng, ông bị thương ở bả vai bên trái. Hội đồng y khoa giám định ông bị thương tật 51 %, thương binh loại 3/4 vĩnh viễn. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông được giữ lại để tiếp tục công việc, quản lý trại trung tá vùng 4 chiến thuật lúc bấy giờ. Năm 1977 ông xuất ngũ trở về địa phương sinh sống. Đến năm 1978, ông xây dựng lại gia đình. Hạnh phúc tưởng chừng như đã mỉm cười khi vợ chồng ông sinh được hai người con: một gái, một trai, khỏe mạnh, ngoan ngoãn, biết giúp đỡ gia đình. Đến năm 2001, tai họa đã ập đến gia đình, khi người con gái cả của ông là chị Lê Thị Lương, sinh năm 1978, có biểu hiện đau nhức toàn thân, tay chân tê bì. Vợ chồng ông đưa chị đi khám, bệnh viện kết luận chị bị di chứng từ chất độc hóa học do ông để lại. Từ đấy chân tay chị cứ khèo đi, teo nhỏ dần, khắp người nổi nốt, mẩn đỏ, việc đứng ngồi, đi lại gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng ông nhiều hôm phải thức trắng đêm để xoa bóp, làm dịu đi cơn đau hành hạ chị. Vợ chồng ông đã cố gắng chữa bệnh cho chị bằng nhiều hình thức, đông, tây y kết hợp. Hiện nay tiền chi phí chữa bệnh cho chị mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Từ một lao động chính, giờ đây chị trở thành gánh nặng của gia đình. Ông chia sẻ: "Tôi thấy con tôi rất có nghị lực. Đau đớn là vậy nhưng không hề kêu ca. Có lẽ sợ tôi sẽ lo lắng, nghĩ ngợi nhiều hơn". Quả thật ở cùng làng nên tôi cũng biết được hoàn cảnh gia đình ông. Từ lâu tôi đã thấy khâm phục chị. Với hình hài, bề ngoài của chị, nhiều người sẽ thấy tự ti, không dám giao tiếp bên ngoài. Nhưng chị lại có thể đảm nhiệm công việc bán hàng giúp đỡ gia đình. Có lẽ trời không lấy hết của ai tất cả, chất độc hóa học do chiến tranh đã làm cho cơ thể chị bị biến dạng nhưng chị lại được thừa hưởng đức tính nghị lực từ người cha.
Gia đình ông Túc không phải thuộc gia đình giàu có nhưng từ sự cần cù, chịu khó, với nghề trồng trọt, chăn nuôi hai vợ chồng ông cũng đủ chi tiêu trong sinh hoạt. Nhờ có sự đổi mới của Đảng, ông đã biết nắm bắt thời cơ mở cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ tại nhà, nâng cao mức sống. Mỗi năm chắt chiu, cần, kiệm, năm 1995 vợ chồng ông đã xây dựng cho mình một ngôi nhà kiên cố.
Tuổi đã cao, sức khỏe cũng ngày một yếu hơn nhưng ông Túc vẫn cố gắng cống hiến công sức của mình cho quê hương. Ghi nhận những đóng góp của ông, năm 1972 ông được kết nạp chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ông được Bộ quốc phòng tặng huân chương kháng chiến hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; huân chương chiến thắng vẻ vang.
Hiện ông Lê Đình Túc là đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ tổ dân phố 11. Ông Nguyễn Hữu Thuyết - Bí thư chi bộ Tổ dân phố 11, cho biết: "Đồng chí Lê Đình Túc là đảng viên chi bộ tổ dân phố 11. Hiện nay đồng chí đã 80 tuổi nhưng đồng chí vẫn tham gia sinh hoạt đầy đủ, đúng giờ. Đồng chí và gia đình luôn gương mẫu, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các qui định của địa phương. Trong sinh hoạt chi bộ đồng chí thường tham gia xây dựng Nghị quyết của chi bộ và vẫn thường xuyên tham gia công tác của địa phương". Đồng chí luôn được các đảng viên trong chi bộ yêu mến và kính trọng. Hàng năm, đồng chí đều được bình xét là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, gia đình đồng chí được bình xét là gia đình văn hóa".
Với sự cống hiến của ông trong quân đội, ông Lê Đình Túc xứng đáng được hưởng chế độ hưu chí, nhưng ông tâm sự: "Tôi thấy mình được sống trở về như ngày nay đã là may mắn lắm rồi. Ngày ấy đi 500 người mà có 4 đến 5 người được sống trở về... Mình hứa cống hiến cho Đảng đến hơi thở cuối cùng thì hãy làm điều ấy đi..."
Trong thời chiến lẫn thời bình, người thương binh ấy đã luôn tỏa sáng ý chí kiên cường, đạo đức, tác phong của người lính Cụ Hồ đáng để nhiều người trân trọng./.
Viết bình luận