Hiện nay vào mùa dịch kiến ba khoang. Kiến ba khoang còn có tên gọi khác là kiến ba khoang đuôi nhọn. Đây là một loài côn trùng thuộc bộ cánh cứng, có thân dài khoảng 10mm với ba khoang đen ở đầu, cánh và cuối bụng. Kiến ba khoang thường xuất hiện vào đầu mùa mưa hoặc khi thời tiết có độ ẩm cao. Chính vì thế, điều kiện thời tiết hiện nay đã làm cho kiến ba khoang xuất hiện nhiều trở lại.
Chất độc của kiến ba khoang khi tiếp xúc với da tạo nên bỏng da, viêm da, gây bỏng rát như bị tạt axit. Nhiều người không biết dùng tay diệt kiến xong vô tình dùng tay đó tiếp xúc với vùng da khác khiến cho những chỗ này không bị kiến đốt vẫn tổn thương. Tổn thương do kiến ba khoang tạo ra thường có dạng ban đỏ, mụn nước, mụn mủ, lở loét giống hình cái miệng là dấu hiệu đặc thù chỉ có trong viêm da tiếp xúc do côn trùng.
Đặc điểm của kiến ba khoang là ưa ánh sáng, người dân có thể dựa vào đặc tính này để hạn chế chúng bay vào nhà. Vào mùa sinh sản của chúng (tháng 9, 10, 11) nên hạn chế bật đèn neon, đèn có ánh sáng xanh, có thể bật đèn ban công để thu hút côn trùng vào chỗ đó, giảm bớt mật độ bay vào nhà. Ngoài đường nên tránh đứng dưới bóng đèn sáng, trong nhà nên thắp đèn có ánh sáng vàng, đỏ.
Để đạt hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt kiến 3 khoang, ngay bên dưới đèn ánh sáng mạnh để dụ kiến, nên để thêm 1 chậu nước. Do kiến 3 khoang có cánh nên khi bị rơi xuống nước, chúng sẽ bị ướt cánh và không thể bay đi chỗ khác được. Bạn nên đóng kín cửa để không cho kiến vào nhà, làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ, lỗ thông khí. Nơi có kiến nên thường xuyên quét dọn nhà cửa, giũ chăn màn, giường chiếu trước khi nằm, nhất là với trẻ em. Quần áo phơi xong trước khi cất hay mặc cần giũ mạnh để loại bỏ kiến bám. Nếu cho trẻ đi chơi thì tránh chỗ đèn sáng.
Khi bị tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, vùng da tiếp xúc có thể xuất hiện ban đỏ, ngứa. Ngay lập tức hãy dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch chất độc bám trên da. Sau đó dùng hồ nước bôi lên vùng da tổn thương nhằm mục đích làm mát da, tránh phồng rộp. Khi da đã bị nổi mụn, phòng rộp như vết bỏng, tiếp tục dùng hồ nước bôi để làm sạch, dịu da. Nếu vùng tổn thương xuất hiện mủ, dùng dung dịch xanh methylen bôi lên vết thương để sát khuẩn, tránh bị nhiễm trùng. Khi vết thương đã khô, không còn chảy dịch, hãy sử dụng các loại thuốc dạng mỡ có tính kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa (ví dụ fucidin-H, fucicort) để bôi, giúp vết thương mau lành. Nếu bị tổn thương nặng, cần phải có bác sĩ kê đơn thuốc uống kèm với bôi bên ngoài để ngăn ngừa nguy cơ dị ứng toàn thân hoặc bội nhiễm nặng.
Viết bình luận