Đình Mộ Lao, nơi nhân dân Hà Đông tập kết lực lượng khởi nghĩa
giành chính quyền ngày 20/8/1945.
Tích cực chuẩn bị các điều kiện để giành chính quyền
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, cũng như nhân dân cả nước, đời sống của nhân dân Hà Đông vô cùng khốn khổ. Cuối năm 1944 đầu năm 1945 nạn đói bắt đầu xảy ra tại khắp các làng xã (nay là các phường thuộc quận). Các hộ nông dân lao động, thợ thủ công phải sống trong tình trạng cháo, rau, quả sung, củ chuối cầm hơi. Vạn Phúc, La Khê, La Cả, La Dương là những làng dệt trước đây vốn có sự phồn vinh, nay lại là những nơi nạn đói xảy ra trầm trọng nhất.
Đứng trước tình hình đó, Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh phong trào tranh đấu giữ lấy hạt thóc, bát cơm cho quần chúng, qua đó tập hợp và rèn luyện cho lực lượng quần chúng. Ở Mộ Lao, Mặt trận Việt Minh tổ chức nhân dân xay thóc cho Nhật để tìm gạo chống đói. Chi bộ Vạn Phúc họp bàn với các đoàn thể lập ra các hội cứu tế, phân công đảng viên và quần chúng có uy tín đến bàn với bọn lý dịch lập ra “Ban Cứu tế xã hội” để đảng viên, hội viên của ta lồng vào đó tiến hành các hoạt động công khai cứu đói.
Cũng từ cuối năm 1944, ở thị xã Hà Đông, lực lượng cứu quốc phát triển mạnh, chủ yếu trong tầng lớp thanh niên, học sinh. Phong trào ở khu vực thị xã có khoảng 32 hội viên cứu quốc và một số quần chúng cảm tình khác, hình thành được 3 nhóm. Cơ sở Mộ Lao do chi bộ Vạn Phúc xây dựng, chỉ đạo cũng phát triển. Lúc mới hình thành có 6 hội viên lập thành tổ Nông dân cứu quốc, sau đã phát triển được vài chục hội viên thuộc nhiều giới, nhiều lứa tuổi, thành lập được các tổ Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân cứu quốc.
Đầu năm 1945, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Hồng quân Liên Xô ào ạt tiến vào nước Đức quốc xã. Ở Châu Á, phát xít Nhật ngày càng sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Thái Bình Dương. Ở Đông Dương, mâu thuẫn Nhật - Pháp đã trở nên gay gắt. Trong tình thế đó, đêm 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng thực dân Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ngay trong đêm 9/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp và ngày 12/3/1945 ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản Chỉ thị chỉ rõ: “Cuộc đảo chính Nhật-Pháp đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, tạo cơ hội tốt cho điều kiện khởi nghĩa mau chóng chín muồi. Phát xít Nhật là kẻ thù chính, cụ thể, trước mắt của nhân dân Đông Dương”. Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạng mẽ, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi có điều kiện.
Chớp thời cơ nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân
Trước sự biến chuyển của tình hình, cao trào kháng Nhật cũng sục sôi ở Hà Đông. Thanh niên cứu quốc thị xã đẩy mạnh hoạt động rải truyền đơn trên các chuyến tàu điện chạy từ thị xã Hà Đông ra Hà Nội, diễn thuyết tại chợ Hà Đông, các bến xe, trường học, rạp hát... Lực lượng tuyên truyền xung phong thị xã còn tổ chức thành những đội nhỏ, mở rộng địa bàn hoạt động đến nhiều nơi trong tỉnh. Chị em Phụ nữ cứu quốc thị xã cũng hăng hái đi tuyên truyền xung phong ở các chợ… Trước sự phát triển của phong trào và những hoạt động tích cực của số quần chúng thanh niên cốt cán ở thị xã, tháng 4/1945, đồng chí Vũ Oanh - Thành ủy viên Thành ủy Hà Nội kết nạp thêm các đồng chí Nguyễn Vịnh, Vũ Đường, Đào Văn Mạc, Nguyễn Văn Định vào Đảng và thành lập chi bộ thị xã, do đồng chí Nguyễn Vịnh làm Bí thư. Từ đây, chi bộ là hạt nhân làm nòng cốt, trực tiếp chỉ đạo phong trào của Thanh niên cứu quốc thị xã. Phong trào cách mạng của thị xã cùng từ đó mà lớn mạnh dần.
Từ ngày 13 đến 16/8/1945, tại tân Trào, Tuyên Quang, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định “Những điều kiện khởi nghĩa Đông Dương đã chín muồi”, quyết định lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ, đêm 16 rạng ngày 17/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi ở Vạn Phúc. Thắng lợi ở Vạn Phúc là một bằng chứng cụ thể biểu thị sự suy sụp của phát xít Nhật và bè lũ tay sai. Ở La Cả, sáng ngày 17/8/1945, chi bộ lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Cũng trong ngày 17/8/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ họp khẩn cấp tại làng Vạn Phúc đã quyết định khởi nghĩa trong toàn Xứ. Thực hiện lệnh khởi nghĩa của Xứ, ngày 18/8/1945, Mặt trận Việt Minh Mộ Lao, Yên Lộ tổ chức nhân dân mít tinh khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Cả thị xã tràn ngập một khí thế cách mạng sục sôi, phấn khởi.
Hà Đông hôm nay không ngừng đổi mới và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
Sáng ngày 19/8/1945, thực hiện lệnh điều động của Xứ ủy Bắc kỳ, tự vệ và lực lượng quần chúng cách mạng ở các cơ sở như: Vạn Phúc, Mộ Lao, La Cả, La Dương, Yên Lộ, La Khê và một số quần chúng ở thị xã với cờ, biểu ngữ, vũ khí trong tay tiến ra Hà Nội tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tại thành phố Hà Nội.
Từ ngày 20 đến ngày 23/8/1945, các làng xã: Văn Quán (nay là phường Văn Quán), Yên Định, Do Lộ, Thọ Vực (nay là phường Yên Nghĩa), các làng nay thuộc các phường Đồng Mai, Biên Giang, Phú Lương, Phú Lãm, Hà Cầu, Kiến Hưng, La Khê, Phú La, Phúc La đã nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Ngày 25/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại vườn hoa Cửa Cẩm có đông đảo nhân dân thị xã và các vùng xung quanh đến dự. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh ra mắt.
Như vậy, sau một tuần lễ (từ đêm 16 đến ngày 23/8), dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, của Tỉnh ủy Hà Đông và sự giúp đỡ của Tổng bộ Việt Minh, các làng xã và thị xã Hà Đông đã chủ động chớp thời cơ, lãnh đạo các tầng lớp nhân dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng. Để giành được thắng lợi vẻ vang đó, các tầng lớp nhân dân Hà Đông đã trải qua một chặng đường đấu tranh đầy khó khăn, gian khổ, hi sinh, vừa làm nhiệm vụ phục vụ, bảo vệ ATK của Xứ ủy Bắc Kỳ, vừa tuyên truyền, vận động cách mạng, xây dựng lực lượng, mở rộng phong trào, tổ chức quần chúng đầu tranh, khi có thời cơ đã nhanh chóng nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Thắng lợi ở Hà Đông đã góp phần chung vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trong cả nước. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, Cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về tay nhân dân. Người dân Hà Đông nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, từ thân phận nô lệ, kiếp sống ngựa trâu đã chính thức trở thành người dân tự do, làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ đất nước. Sáng ngày 2/9/1945, giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.
74 năm đã đi qua nhưng những chiến tích, đóng góp, cống hiến xuất sắc của quân và dân Hà Đông đối với thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn mãi mãi được ghi trên những trang vàng lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Truyền thống đấu tranh anh dũng đó đã và đang thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục ra sức phấn đấu, góp phần đắc lực trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương Hà Đông ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tháng Tám lại về với cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Mới đó mà đã 74 năm. Để bảo vệ thành quả của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân quận Hà Đông đã cùng cả nước anh dũng chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Gần một thế kỷ trôi qua đủ để chúng ta có độ lùi cần thiết khi nhìn nhận về thời kỳ lịch sử gian lao mà vô cùng oanh liệt của Đảng và dân tộc ta, để tự hào trước những đổi thay kỳ diệu trên quê hương, đất nước và để ngày một vững tin hơn vào tương lai tươi sáng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Viết bình luận