Nữ cán bộ vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Tôi đến nhà cô Hà Thị Sinh vào một buổi sáng đẹp trời đầu xuân Ất Mùi, do có việc phải bàn bạc thống nhất với Cô, vì Cô là Trưởng ban công tác mặt trận, Ban cán bộ phụ nữ chi hội 14. Bước chân vào ngõ 92 nơi Cô sinh sống, tôi thấy cờ Tổ quốc vẫn đỏ rợp hai bên lối đi. Ngõ vào nhà Cô hẹp, lá cờ hai bên chạm vào nhau tung bay trông mới đẹp và rạo rực lòng người làm sao.

Tôi bấm chuông, cô Sinh tươi cười hiện ra trước cửa đón khách, đằng sau Cô vang lên tiếng trẻ con ríu rít nói cười.
Hôm nay là thứ bảy, ngày nghỉ học các cháu ở nhà và Cô trở thành người mẹ, cô giáo thứ hai của các cháu.
Vừa rót nước mời khách, giọng Cô nhỏ nhẹ: Anh thông cảm, nhà cửa bề bộn quá, các cháu nhỏ nghịch lắm, tôi cứ phải luôn tay dọn dẹp mà chưa gọn anh ạ!
Chả là Cô có hai đứa cháu sinh đôi, lúc này cháu còn nhỏ bố mẹ các cháu đi làm để lại con nhờ bà trông giữ, Cô phải hai tay hai cháu cho ăn, rồi lo tắm gội, giờ đây chúng bắt đầu đi học, ngày lại ngày bà lại phải đưa cháu đi học và đón cháu về trên chiếc xe đạp cũ. Đường chật, người đông, lo cho các cháu an toàn là nỗi niềm canh cánh trong Cô. Được một cái các cháu ngoan, học giỏi, làm vơi đi nỗi vất vả của Cô trong những ngày mưa, nắng.
Cầm chén nước chè trên tay tôi hỏi nhỏ:
- Thế anh Long lâu nay có về thăm nhà không cô Sinh? Tình hình thế nào rồi?
Cô Sinh nhẹ nhàng trả lời: Dịp tết anh ấy có về thăm ít ngày anh ạ. Anh ấy phải liên tục túc trực bên mẹ già, bởi năm nay cụ đã hơn 90 tuổi, yếu lắm rồi, đi đâu đó lâu không được. Hơn nữa chân anh vẫn đau nên đi lại khó khăn lắm.
Anh Long là chồng cô Sinh, việc chung, việc riêng cũng nhiều, bên tình, bên hiếu nặng gánh. Phải xa vợ con để chăm sóc mẹ già ở quê Phú Thọ thành thử anh chị ít được gần nhau. Vừa rồi anh Long bị tai nạn ở chân, nằm viện kéo dài, đến nay đi lại chưa tốt. Tôi cũng được biết quê cô Sinh ở Nam Định, mẹ đẻ cô năm nay trên 90 tuổi, bệnh tật nhiều; thỉnh thoảng cô Sinh phải bắt xe về thăm mẹ rồi lại vội vàng về chăm cháu. 
Có lúc cô Sinh nói với tôi: Thân này ví xẻ làm nhiều phần để lo công việc, lo cho mẹ, lo cho con cháu, lo công việc tổ chức phân công, bởi cô là thành viên HĐND phường, Trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố, Chi ủy viên, thành viên ban dân số, Ban cán bộ phụ nữ chi hội 14.
Một người bình thường, giải quyết một công việc trong hoàn cảnh của Cô cũng đã mệt mỏi, huống chi phải gánh vác quá nhiều việc mà cô vẫn luôn hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Không những vậy, cô Sinh còn là một hạt nhân văn hóa, văn nghệ. Trời phú cho cô giọng hát rất hay, ngọt ngào. Cô có thể hát được nhiều làn điệu dân ca, hát chèo, hát quan họ, hát ru...Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố tiếng hát của cô vang lên đã làm rung động bao người, góp phần xây dựng tổ văn hóa, văn nghệ ngày càng phát triển.
Để có được một chương trình văn nghệ phục vụ, Cô luôn dầy công luyện tập, có buổi lên phường luyện tập, ghép chương trình, trời mưa to, chiếc xe đạp và quần áo Cô sũng nước nhưng cô vẫn đội mưa đi cho kịp.
Trao đổi xong nội dung công việc cần bàn với cô Sinh, tôi chuẩn bị ra về, lúc này hai đứa cháu của Cô chạy lại ôm lấy bà đòi ăn. 
Bước chân ra cửa tôi cứ nghĩ, tấm thân mảnh mai kia liệu có một mình vượt được những khó khăn trước mắt này không? Nhưng tôi tin là Cô sẽ hoàn thành tốt, bởi nghị lực, bởi quyết tâm mà một Đảng viên, một cán bộ, một đồng đội, một phụ nữ có ý chí như Cô.
Ra về dưới hai hàng cờ đỏ, lòng tôi lâng lâng khó tả, cờ tung bay như vẫy gọi, như động viên một người phụ nữ luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được phân công và cô Hà Thị Sinh là một người như vậy./.
Tiết mục văn nghệ đắc sắc của Cô Hà Thị Sinh trong chương trình văn nghệ Chào mừng Ngày thành lập Hội LHPN.

Thực hiện: 

Bùi Ngân

Viết bình luận

Xem thêm tin tức