Hàng năm, cứ vào ngày rằm tháng tám âm lịch, cả nước lại tổ chức vui tết Trung Thu. Tết Trung Thu là một ngày tết riêng dành cho trẻ em, còn được gọi là Tết Trông Trăng. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này và đây cũng là dịp để người lớn thể hiện tình yêu thương với con trẻ.
Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.
Tết Trung Thu có nguồn gốc văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt. Thời điểm này khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi.
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, ban ngày làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm đủ các màu sắc, sặc sỡ, xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành hình các bông hoa, nặn bột làm con tôm, con cá ...
Đồ trẻ con chơi trong Tết này toàn là các thứ bồi bằng giấy như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa, cành hoa, giàn mướp, đèn cù, ông nghè đất, con thiềm thừ,... những năm gần đây còn có nhiều đồ chơi bằng nhựa, bằng sắt...
Trẻ em tối đêm rằm dìu dắt nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy ô, đám thì kéo co, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ…
Người Việt tổ chức Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà. Đám múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu Lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Đầu Lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của Lân. Ngoài ra còn có thanh la, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu Lân... Đám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau.
Bánh trung thu tượng trưng cho sự đoàn viên, là thứ không thể thiếu để cúng trăng và những người thân đã khuất vào mỗi mùa trung thu.
Ăn bánh trung thu cũng là nội dung quan trọng của tết Trung Thu. Thông thường bánh trung thu có hai loại, bánh nướng và bánh dẻo.
Ban đầu, bánh trung thu có hình dáng tròn, tượng trưng cho sự đoàn kết và hoàn chỉnh. Dần dần, bánh được biến dạng thành hình vuông, có lẽ vì mỹ thuật và dễ xếp trong hộp vuông, vừa đủ bốn chiếc một hộp. Bên ngoài bánh, phía trên mặt vẽ một vòng tròn ngay trung tâm bằng lòng đỏ trứng gà, trông như vầng trăng chiếu sáng...
Nguồn:
Báo online Thể thao và văn hóa
Viết bình luận