Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình khuyến nông...
Việc này không chỉ góp phần thay đổi nhận thức nông dân mà còn giúp họ tiếp cận nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả kinh tế cao.

Tạo ra sản phẩm chất lượng cao
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà cho biết, với quy mô hơn 2,1ha, hợp tác xã đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng 6 nhà màng, nhà lưới, tổng diện tích khoảng 10.000m2 để trồng rau mầm. Quy trình sản xuất được áp dụng theo quy tắc “5 không”: Không phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc trừ cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không cây trồng chuyển đổi gen. Do đó, đơn vị có thể cung ứng đến người tiêu dùng Thủ đô những loại rau mầm an toàn nhất. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã cung ứng cho thị trường hơn 200 tấn rau mầm các loại, doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng.
Tương tự, tại huyện Thanh Oai hiện có 12 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, như: Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao ở xã Thanh Cao; mô hình trồng rau thủy canh tại thị trấn Kim Bài; mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao ở xã Dân Hòa, diện tích 3,4ha.
Đánh giá hiệu quả của các mô hình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương cho biết, Hà Nội có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng chuyển đổi số, trong đó có 262 mô hình ở lĩnh vực trồng trọt. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội.
Nhìn chung, công tác chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng bước đầu tạo sự thay đổi từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng công nghệ số.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản như việc áp dụng Internet vạn vật (IoT), cảm biến trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán, chi phí đầu tư lớn, trong khi trình độ nhận thức của hợp tác xã, người dân về chuyển đổi số còn hạn chế…
Để thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) Bùi Hường Bích cho biết, các ngành chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã về nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để mở rộng mô hình sản xuất công nghệ cao, đầu tư trang thiết bị hiện đại, hệ thống tưới tự động, máy cảm biến nhiệt độ… trong sản xuất để điều chỉnh nhiệt độ, thích ứng biến đổi khí hậu, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.      
Việc chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc để tạo đột phá trong phát triển kinh tế nói chung, lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản nói riêng. Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục nghiên cứu xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản có sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain); thử nghiệm, chuyển giao, áp dụng các mô hình, giải pháp nông nghiệp số phù hợp điều kiện của Hà Nội.
Ngoài ra, Hà Nội có chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp thông minh, trong đó, chú trọng giải pháp về công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch, kết nối thị trường nông sản và sản phẩm OCOP; hỗ trợ công nghệ canh tác thông minh để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn… Công tác khuyến nông tập trung vào đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp. Hướng đi này góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp thông minh; tăng cường liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị...

Viết bình luận

Xem thêm tin tức