Lễ hội truyền thống – nét đẹp văn hóa của Người Việt Nam

Gối lên bờ Tây dòng Sông Nhuệ, cách trung tâm Hà Đông chừng 1000m, là xã Kiến Hưng, thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Nơi đây từng nổi tiếng cả nước với "Đa Sỹ cố danh hương” đất khoa bảng và có nghề rèn truyền thống; với di tích lịch sử văn hóa thờ các Danh nhân văn hóa có công với nước như: Danh y Hoàng Đôn Hòa (thờ tại Miếu Đa Sỹ), Tràng Hoàng Thống tướng và Đô Hồ Thống tướng (thờ tại miếu Mậu Lương).

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về nhân dân Mậu Lương và nhân dân Đa Sỹ lại tưng bừng mở hội nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân; tưởng nhớ, tôn vinh công đức của các Anh hùng dân tộc, các bậc tiền bối, danh nhân văn hóa đã có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. 
Theo lệ, năm nay Lễ hội Xuân truyền thống dâng hương mở cửa đền Mậu Lương diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17 tháng giêng. Lễ hội Xuân truyền thống của Đa Sĩ tổ chức đại đám từ ngày 12 đến ngày 15 tháng giêng. 
Theo sách kể, Lễ hội truyền thống mùa Xuân của Đa Sĩ còn gọi là lễ hội vào đám là lễ hội lớn nhất, vì trùng với ngày Giỗ Thành Hoàng Làng. Thông thường năm nào cũng mở cửa Miếu và trưng các đồ thờ để con dân nhà Thánh và khách thập phương đến chiêm bái.
Ngày xưa Lễ hội Vào đám chỉ được mở vào những năm phong đăng hòa cốc, không theo định kỳ mấy năm một lần nhưng thời gian mở hội là từ 12 đến 15 tháng Giêng. Không gian mở hội gồm không gian thiêng và không gian tự nhiên. Miếu đình là không gian thiêng, nơi đây diễn ra các nghi thức, nghi lễ. Không gian tự nhiên là nơi diễn ra các trò chơi dân gian, đó là khu vực xung quanh Đình Miếu. 
Hồi Kháng chiến chống Pháp, Lễ hội Vào đám lần cuối cùng tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng năm Quí Tị (1953) nhưng dở dang vì giặc kéo đến làng càn quét giết người cướp của. Sau hòa bình (1954) Lễ hội Vào đám được tái mở vào năm cải cách ruộng đất (1956) nhưng không đầy đủ nghi thức.
Kể từ năm 1992 lại đây nghi thức Lễ hội Vào đám dần dần được phục hồi nhằm giữ lấy những tinh túy của người xưa và cũng đặt ra lệ 5 năm sẽ tổ chức vào đám một lần. 
Làng rèn Đa sĩ thờ Đức Thánh Hoàng làng Hoàng Đôn Hòa - danh nhân văn hóa - Danh y - Lương dược hầu - Người thầy thuốc quân y đầu tiên của quân đội Việt Nam nghiên cứu, sử dụng hiệu quả, đóng góp công sức to lớn vào việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe binh lính và nhân dân. Ông được vua Lê Thánh Tông cử giữ chức Điều hộ lục quân, sau đó được gia phong chức thị nội Thái y viện thủ phiên và được nhà vua chọn làm phò mã gả con gái là Phương Anh công chúa. Trong lần đi sứ sang triều đình Mãn Thanh, ông đã chữa được bệnh nan y cho vua Càn Long và được phong danh hiệu "Lịch thế y". Ông có công lưu giữ, biên soạn, bổ sung cuốn sách "Hoạt nhân toát yếu" (Phép cốt yếu cứu người) và nhiều sách y học khác; giữ gìn bồi bổ sức khỏe, tính mệnh con người, kéo dài tuổi thọ. Ông được người dân Đa sĩ tôn thờ ở Miếu Đa sĩ. 
Lương y Dược Linh Thông cư sỹ Hoàng Đôn Hòa và Công chúa Phu nhân Phương Dung Từ Thục, Trinh ý đoan trang - các vị thành Hoàng Làng sống mãi trong ký ức của nhân dân, mãi mãi là nơi nương tựa tâm linh vững chắc của nhân dân Đa Sỹ./.
 

Thực hiện: 

Bùi Ngân

Viết bình luận

Xem thêm tin tức