Nét văn hóa đẹp cổ xưa của nhân dân Mậu Lương

Gối lên bờ Tây dòng Sông Nhuệ, cách trung tâm Hà Đông chừng 1000m là xã Kiến Hưng, thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Xã Kiến Hưng có 2 làng là Mậu Lương và Đa Sĩ, thuộc làng cổ của nước Việt, có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.

Người dân Mậu Lương siêng năng cần cù, hay lam hay làm, hơn nữa lại chăm chỉ hiếu học, sống thương yêu đùm bọc nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn nên từ xa xưa đã xây dựng được những thuần phong mĩ tục mà nhiều làng quê trong vùng ít nơi có được.

 

Ngay đầu làng Mậu Lương có một ngôi miếu cổ, nhân dân quen gọi là miếu Mậu Lương. Nơi đây thờ ba vị là: Chàng Vàng đại Vương, Đô Hồ đại vương và Lê triều Linh hiển Hoàng hậu. Theo truyền thuyết, hai vị thành hoàng làng Chàng Vàng đại vương và Đô Hồ đại vương vốn là hai vị Tiên đồng, đầu thai xuống trần gian làm con một gia đình đất Hoan Châu (Xứ Nghệ), cha mẹ mất sơm, hai anh em đi du ngoạn, kiếm sống, trên đường đi liền dừng chân đầu xã Ngô Xá huyện Thanh Oai. 
Sau đó, hai ông du ngoạn tiếp đến núi Tản Viên gặp Sơn Thánh, bậc kỳ tài đệ nhất trong thiên hạ và được Ngài trọng dụng. Bấy giờ, đất nước thái bình đã lâu, Sơn Thánh cùng hai ông tiếp tục chu du khắp nơi. Khi về lại Mậu Lương, hai ông xin ở lại để thăm hỏi, chăm sóc nhân dân địa phương, dạy dân cấy lúa, nuôi tằm. Khi quân Thục xâm chiếm đất nước, hai ông được phong chức sắc, ra trận giúp vua Hùng đánh giặc. Thắng lợi hai ông lại xin về làng cũ, sau này hai ông hóa cùng Sơn Thánh. Dân làng Mậu Lương lập biểu dâng vua. Vua cho sứ về hành lễ và phong là “Thượng đẳng phúc thần”, lại sắc phong thần hiệu, chuẩn cho dân Mậu Lương lập miếu thờ phụng, hương hỏa muôn đời. Về sau các triều đại đều cấp sắc phong thần. 
Miếu làng Mậu Lương là một di tích lịch sử cấp quốc gia, đã được Bộ văn hóa (Nay thuộc bộ Văn hóa thể thao và du lịch) xếp hạng năm 1988. 
Miếu còn lưu giữ được nhiều vật quý như: kiệu bát cống, án thư, án gian, long ngai bài vị, hoành phi, câu đối… mang đường nét văn hóa thời Lê; một án gian chữ nhật, trang trí hổ phù, lưỡng long chầu nguyệt, chữ thọ… mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.
Từ ngoài vào miếu Mậu Lương có cổng Nghi môn, Tả Hữu mạc, Đại bái và Hậu cung. Cổng miếu được xây 2 cột trụ cao hơn 8 m và cổng pháo có mái đao cong. Đại bái 3 gian, mái lợp ngói mũi mỏng, tường xây, hồi bít đốc, tay ngai các vì nóc ở Đại bái và Hậu cung đều làm theo kiểu tiền kẻ, hậu bẩy, kết hợp giá chiêng con nhị, bào trơn đóng bén, trang trí một số hoa văn đơn giản như chữ triện, gờ chỉ nổi… Miếu được xây dựng ở thế đất đẹp, cùng lũy tre xanh, sông, hồ… càng làm cho khu di tích đẹp thêm.
Trải qua bao năm tháng cùng sự biến thiên của lịch sử, một phần kiến trúc của khu di tích đã bị xuống cấp. Thể theo nguyện vọng của nhân dân nhằm bảo tồn di sản Văn hóa quốc gia và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh thờ tự, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể, sự đóng góp của các nhà hảo tâm và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân một lòng. Công trình trùng tu tôn tạo khu di tích làng Mậu Lương đã được hoàn thiện.
Ngày 25 tháng 2 âm lịch (ngày lễ tế sinh nhật hai vị Tôn thần), nhân dân Mậu Lương tổ chức Lễ thánh hồi cung (từ Đình Mậu Lương về miếu Mậu Lương). 
 Hàng năm, cứ mỗi độ tết đến xuân về, vào ngày rằm tháng giêng âm lịch, dân làng Mậu Lương lại tổ chức tế lễ để tưởng nhớ công lao của các vị Thành hoàng làng, với sự tin tưởng mang lại cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân./.
 

Thực hiện: 

Bùi Ngân

Viết bình luận

Xem thêm tin tức